
NHỮNG KHÁC BIỆT TRONG CÁCH NGƯỜI NHẬT DẠY CON KHIẾN CẢ THẾ GIỚI NGƯỠNG MỘ
Từ lâu, cách người Nhật dạy con đã được cả thế giới thế giới ngưỡng mộ và áp dụng rộng rãi. Những trẻ em Nhật thông minh, ngoan ngoãn, đặc biệt là tính tự lập từ rất nhỏ: 2 tuổi đã biết tự đi mua đồ ở cửa hàng, 6 tuổi tự đi học, 9 tuổi biết bắt xe điện đi từ đầu này đến đầu kia thành phố Tokyo,… Người Nhật dạy con như thế nào để được như vậy?
1. 3 “Không” thú vị trong cách người Nhật dạy con
– Không ca ngợi tài năng thiên bẩm
Nếu như ở nhiều nước khác, kể cả Việt Nam, những đứa trẻ thông minh lanh lợi sẽ rất được ca ngợi thì ngược lại ở Nhật, con cần sự thông minh nhưng nhân cách mới là điều quan trọng nhất. Do đó, trong 3 năm học đầu tiên, trẻ em Nhật hầu như không trải qua kỳ thi nào. Người Nhật cho rằng, trước 10 tuổi, điều trẻ cần học nhất đó là cách tôn trọng người khác, học đức tính rộng lượng, biết yêu thương và chia sẻ.

Trước 10 tuổi, điều trẻ em Nhật cần học nhất là cách ứng xử, tôn trọng người khác
Bố mẹ Nhật không có thói quen khoe con mình đạt thành tích gì, đang tham gia câu lạc bộ nào, đang chuẩn bị dự cuộc thi gì,… Họ đề cao sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Điều này thể hiện rất rõ ở những câu nói bố mẹ Nhật dùng hằng ngày. Chẳng hạn, trước khi con đi thi, họ sẽ chúc con “Ganbatte!” (Hãy làm tốt nhất nhé!) chứ không phải “Good luck” (Chúc con may mắn).
– Không mè nheo, vòi vĩnh
Một em bé mè nheo, vòi vĩnh đòi mua đồ chơi hẳn không còn xa lạ với các bố mẹ Việt và bằng cách này hay cách khác, bố mẹ cũng sẽ thỏa thuận. Tuy nhiên, trẻ em Nhật thì khác, trẻ đã được tập tính không mè nheo, vòi vĩnh từ nhỏ. Đến bữa ăn, nếu con không ngồi xuống ghế cùng cả nhà, con sẽ không được ăn.
Kết quả của cách giáo dục này đó là đa phần trẻ em Nhật luôn biết cách cư xử đúng mực, nhẹ nhàng, lịch sự, biết xếp hàng ở nơi công cộng, không quấy khóc đòi hỏi trong siêu thị,…
– Không bao bọc
Bố mẹ Nhật vẫn dõi theo mọi việc làm của con nhưng không bao bọc. Vậy người Nhật dạy con như thế nào? Họ để trẻ tự làm mọi việc từ đơn giản đến phức tạp tùy độ tuổi: tự xúc ăn, tự vệ sinh cá nhân, tự thu dọn đồ chơi, tự đi học,… Nhiều người nước ngoài khi đến Nhật Bản đã tỏ ra rất bất ngờ trước việc học sinh đất nước này tự xách cặp, túi đựng thức ăn và đi bộ hoặc xe bus tới trường mà không có bố mẹ kèm cặp.
Cách người Nhật dạy con tự lập được thể hiện qua cách nói “Nana korobi ya oki” (Ngã bảy lần, đứng dậy tám lần), bố mẹ sẽ khuyến khích, động viên và hỗ trợ để con tự hoàn thành công việc chứ không làm thay con.
Đó là 3 cái “Không” thú vị trong cách dạy con của người Nhật khiến cả thế giới ngưỡng mộ và áp dụng. Bên cạnh những nguyên tắc này, người Nhật còn cách nuôi dạy theo từng giai đoạn phát triển của con.
2. Dạy con kiểu Nhật theo từng độ tuổi
2.1 Dạy con kiểu Nhật giai đoạn 3 tuổi
– Dạy trẻ tư duy và suy nghĩ:
Từ 3 tuổi, trẻ bắt đầu hình thành năng lực tư duy, các tế bào thần kinh được vận dụng tối đa để trẻ có những suy nghĩ của riêng mình. Ở độ tuổi này, trẻ càng tư duy và suy nghĩ nhiều càng khơi mở khả năng sáng tạo, phát huy những tiềm năng sẵn có.
Cách người Nhật dạy con để rèn tư duy và suy nghĩ đó là thay những đồ chơi đơn giản của con thành những món đồ phức tạp hơn, đòi hỏi sự vận dụng trí óc như lego, rubik,…

Những trò chơi xếp hình, lắp ráp sẽ giúp con rèn khả năng tư duy, suy nghĩ
Nguồn ảnh: tiki.vn
– Chỉ hỗ trợ trẻ 50%
Đây cũng là một cách dạy con kiểu Nhật giai đoạn 3 tuổi rất thú vị. Độ tuổi này, khi ý thức độc lập của trẻ rõ nét hơn, bố mẹ chỉ hỗ trợ trẻ 50%, còn lại để trẻ tự làm.
Các em bé 3 tuổi thường không muốn mẹ làm mọi thứ thay mình, chúng sẽ bày tỏ rằng mình muốn được làm một việc gì đó và muốn bố mẹ công nhận. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ “không nghe lời”, “chống đối” bố mẹ. Đừng vội xem đó là dấu hiệu khủng hoảng tuổi lên 3. Ở một khía cạnh khác, điều này cho thấy trẻ đã có ý thức tự lập, muốn chứng tỏ bản thân mình. Bố mẹ cần ở bên theo dõi, quan sát và hỗ trợ con làm mọi việc một cách tốt nhất.
– Bồi dưỡng khả năng ngôn ngữ của con
Từ 3 tuổi, bé dần hoàn thiện khả năng ngôn ngữ, vốn từ tăng lên nhanh chóng. Vậy nên, bố mẹ sẽ trò chuyện với con nhiều hơn, trò chuyện một cách nghiêm túc và sử dụng ngôn ngữ giống như người lớn. Đó có thể là những chủ đề khiến con hứng thú hoặc chỉ đơn giản là những hoạt động diễn ra hằng ngày trong gia đình, trên lớp học.
Một cách người Nhật dạy con khác bạn nên áp dụng đó là đọc thật nhiều sách cho con nghe, vừa tăng vốn từ vừa giúp bé có thêm nhiều kiến thức mới. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để cho con học một loại ngoại ngữ.
2.2 Dạy con kiểu Nhật giai đoạn 6 tuổi
– Tập trung phát triển tính sáng tạo của trẻ
Cách người Nhật dạy con ở giai đoạn 6 tuổi đó là tập trung vào việc kích thích, phát triển trí tưởng tượng của trẻ. Đây cũng là lí do vì sao trẻ em Nhật nổi tiếng thế giới về sự thông minh, cách tính toán, tư duy khoa học. Bố mẹ sẽ không áp đặt quan điểm của mình lên trẻ mà tạo mọi điều kiện để trẻ phát huy khả năng, năng khiếu của mình.
Bố mẹ Nhật luôn kiên nhẫn giải đáp mọi thắc mắc của con, chơi giải câu đố thường xuyên, đưa con ra ngoài nhiều hơn để khám phá thế giới xung quanh. Bạn cũng nên cho con tham gia những bộ môn đòi hỏi sự sáng tạo như vẽ tranh, múa hát, đàn,…

Bố mẹ Nhật luôn kiên nhẫn giải đáp, đọc sách, chơi giải câu đố cùng con để phát triển tính sáng tạo ở trẻ
– Dạy con cách tuân thủ quy tắc và biết ứng xử
Từ 6 tuổi, trẻ đã hoàn toàn chuyển từ một “baby” (em bé) thành “children” (đứa trẻ), môi trường tiếp xúc của bé cũng dần rộng hơn. Dạy con kiểu Nhật giai đoạn 6 tuổi cần rèn cho trẻ những đức tính như: biết tuân thủ quy tắc, tự chịu trách nhiệm, nhẫn nại, thân thiện, trung thực,… Nhật Bản coi trọng nền giáo dục từ gia đình. Bố mẹ Nhật luôn dành thời gian để chỉ dạy, giải thích cho con từng phép tắc nhỏ nhất.
– Dạy con tự yêu bản thân mình
Đây là một kỹ năng rất quan trọng nhưng nhiều bố mẹ Việt thường hay bỏ qua. Các bậc phụ huynh Nhật rất quan tâm đến việc dạy con cách tự yêu, tự chăm sóc và bảo vệ mình bằng cách để con tự ăn uống, tự chọn quần áo mặc, luyện tập thể thao, giữ vệ sinh khi chơi,…
Chính những khác biệt thú vị trong cách người Nhật dạy con trên đã hình thành những em bé Nhật Bản ngoan ngoãn, lễ phép, thông minh,… Kid Town hy vọng rằng, qua bài viết này, bạn đã có thêm cho mình một số phương pháp nuôi dạy con hiệu quả, khoa học.
THẢO LUẬN BẰNG FACEBOOK