Trường Mầm non Quận 12 - Phương pháp Montessori | Kid Town

KHÔNG LO CON BIẾNG ĂN KHI MẸ ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĂN DẶM KIỂU NHẬT

Spread the love

Làm sao để con tăng cân và hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng từ thức ăn là điều mà mọi bố mẹ có con nhỏ đều quan tâm. Cùng Kid Town tìm hiểu kỹ và áp dụng triệt để phương pháp ăn dặm kiểu Nhật hiệu quả, đánh tan nỗi lo về biếng ăn, sụt cân của con yêu nhé!

1. Cùng xem mẹ Nhật chuẩn bị gì khi bắt đầu cho con ăn dặm?

Cách cho con ăn của người Nhật được xếp vào một trong những chương trình chăm con khoa học và hiện đại trên thế giới. Vậy mẹ Nhật đã sử dụng những loại thức ăn nào để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con, đồng thời làm cách nào để khuyến khích con ăn nhiều loại đồ ăn mà không khó chịu. Cùng tìm hiểu kỹ hơn ở phần bên dưới.

1.1 Cách mẹ Nhật sưu tập các vật dụng ăn uống

Một bữa ăn ngon không chỉ được thể hiện thông qua sự vừa vặn của thức ăn mà còn là hình thức trình bày và các vật dụng kèm theo. Vì thế, trong phương pháp ăn dặm của người Nhật, người mẹ không bao giờ quên chuẩn bị cho con những vật dụng ăn uống với màu sắc bắt mắt, đủ loại và kích cỡ khác nhau. Thêm vào đó là sự xuất hiện của một chiếc ghế hoặc xe ngồi ăn nghiêm túc. Tuy nhiều mẹ Việt còn đang băn khoăn không biết liệu ăn dặm kiểu Nhật có tốt không nhưng thực tế cũng đã có rất nhiều mẹ 8x, 9x áp dụng cách cho con ăn khoa học và thú vị này, và mọi bữa ăn đều trở nên vui vẻ, không nước mắt, không mè nheo, nạt nộ hay phải bế đi khắp mọi nơi để “dụ dỗ” con ăn hết phần ăn của mình.

Đồ dùng ăn uống riêng biệt cho con gồm: chiếc tô vừa phải, 2 chiếc muỗng, 1 cốc nước lọc, 1 đĩa rau hoặc đồ ăn được trình bày đáng yêu vô cùng. Mục đích của việc sử dụng 2 chiếc muỗng là để con tham gia xúc cơm, cháo cùng mẹ trong mọi bữa ăn để con luôn cảm thấy vui vẻ và là người lớn giống mẹ.

Chuẩn bị vật dụng ăn uống màu sắc sinh động cho con (Nguồn suminhchau.vn)

Chuẩn bị vật dụng ăn uống màu sắc sinh động cho con
(Nguồn suminhchau.vn)

1.2 Sử dụng thời gian cho ăn chuẩn xác, khoa học

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật không chỉ dừng lại ở các cách sử dụng vật dụng hấp dẫn cho con mà còn thể hiện ở việc cân đo đúng chuẩn thời gian ăn – uống của mỗi trẻ.

Đầu tiên là về khoảng thời gian con bắt đầu ăn dặm vào tháng thứ 5 hoặc 6. Lúc này khi các cữ bú sữa không còn đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ thì việc ăn dặm nên được bắt đầu với một bữa ăn mỗi ngày. Dạng thức ăn khi con bắt đầu ăn dặm cần loãng và có vị ngọt nhiều hơn để trẻ làm quen.

Tháng 7 – 10: Đây là lúc mà bé đã có thể ăn thức ăn mặn dần và có xu hướng khô, đặc hơn. Đồng thời, các mẹ hãy nhớ cho thêm các bữa phụ như ăn chuối nạo bằng muỗng, uống thêm nước cam loãng,… để bé hấp thụ đa chất.

Tháng 11 trở đi, các mẹ tiếp tục đổi mới thêm các khẩu phần ăn bằng những thực phẩm mới lạ và đặc biệt đã có thể nấu cháo loãng, hạt to hơn thay vì cho con ăn bột hay cháo xay nhuyễn như các tháng trước. Việc cho bé ngồi cùng gia đình khi ăn cũng là cách cho con ăn của người Nhật mà bạn nên áp dụng. Bởi lúc này con đã có phần cứng cáp, đồng thời việc ăn chung sẽ giúp con hòa nhập với văn hoá gia đình sớm hơn.

2. Mẹ Nhật cho những gì vào thực đơn ăn dặm của con?

Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật 30 ngày đầu tiên cho con thường được các mẹ Nhật áp dụng và thay đổi qua lại với 4 nhóm thức ăn cơ bản và chủ yếu từ thực vật, cùng tham khảo một trong những menu ăn chất lượng của mẹ Nhật áp dụng cho con trong tháng đầu ăn dặm như sau:

  • Cháo cà rốt xay nhuyễn: Gạo được nấu nhuyễn theo công thức 1 phần gạo và 10 phần nước. Cà rốt được gọt sạch vỏ, luộc chín rây nhuyễn và trộn cùng với cháo mềm loãng. Ăn nhiều cà rốt ở giai đoạn đầu cơ thể trẻ sẽ được cung cấp nhiều vitamin A, giúp thị lực phát triển và kháng viêm tốt.
  • Soup nấu sữa bí đỏ: Mẹ Nhật sẽ sử dụng sữa công thức hoặc chính sữa mẹ cùng bí đỏ làm nguyên liệu nấu món soup mềm này cho con. Với nhiều chất sắt, vitamin và axit hữu cơ bí đỏ sẽ là thành phần không thể thiếu cho thực đơn ăn dặm kiểu Nhật 30 ngày đầu tiên cho con được. Bí đỏ gọt vỏ, luộc cho chín và nghiền nát cùng sữa, sau đó để trên bếp một chút để hai thực phẩm hòa quyện vào nhau. Tắt bếp để nguội 1 chút và cho bé ăn
  • Cháo nấu cùng rau chân vịt: Với thành phần sắt, kali, canxi và magie có trong rau chân vịt, món cháo này chính là thực đơn bổ dưỡng mà phương pháp ăn dặm kiểu Nhật không thể thiếu được. Rau được rửa sạch, luộc chín vừa và nghiền nhuyễn, sau đó cho vào nồi cháo mềm đã được nấu chín và trộn đều.
  • Soup đặc từ sữa và khoai tây: Khoai tây đem đi gọt vỏ, luộc chín và nghiền nát. Sau đó hoà vào trong sữa công thức hoặc sữa mẹ và khuấy đều trên bếp cho chín hẳn. Đợi soup hơi nguội mẹ sẽ múc ra chén cho bé và cùng bé ăn trong bữa.

Tất cả những món ăn này đều rất dễ chế biến và hầu như không mất thời gian lâu. Ngoài ra, với màu sắc xanh, cam, vàng bắt mắt sẽ thu hút sự chú ý của trẻ nhiều hơn khi tập ăn dặm. Từ tháng thứ 7 trở về sau, các mẹ có thể thoải mái thêm vào khẩu phần ăn của con những loại cá, thịt tươi ngon, đa dạng loại rau hơn và nấu mặn một chút để soup, cháo thêm ngon và hãy nhớ chế biến các món riêng biệt để luôn giữ lại hương vị riêng biệt của từng loại thực phẩm nhé.

Thực đơn ăn dặm đa dạng khẩu vị, thành phần (Nguồn assets-vn-asianparent.dexecure.net)

Thực đơn ăn dặm đa dạng khẩu vị, thành phần
(Nguồn assets-vn-asianparent.dexecure.net)

3. Không chỉ đơn giản là ăn, mẹ Nhật còn tranh thủ dạy con tự lập

Trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật bạn sẽ dễ dàng thấy được sự hợp tác giữa mẹ – con rất tốt và hơn nữa mẹ dạy cho con tự lập, tự quyết định từ sớm.

Ngay sau khi tập cho con ăn uống hết các món trong thực đơn dinh dưỡng mà mẹ đã chuẩn bị, mẹ Nhật thường để ý rất kỹ đến thái độ của con và nhanh chóng phát hiện ra món con thích – ghét khi ăn, để từ đó điều chỉnh khẩu vị, khẩu phần hợp lý hơn. Ngoài ra, khi con bắt đầu biết nhận thức và biết chọn lựa, mẹ Nhật sẽ thường đưa ra cho con sự lựa chọn, con thích ăn món nào hơn sẽ chỉ vào đó và mẹ sẽ nấu. Tất nhiên phương pháp ăn dặm kiểu Nhật này các mẹ không quên thay đổi liên tục các món để con không bị ngán hay thiếu chất.

Ăn dặm kiểu Nhật có tốt không? (Nguồn vinamilk.com.vn)

Ăn dặm kiểu Nhật có tốt không? (Nguồn vinamilk.com.vn)

Khi con có thể ngồi tựa lưng được và cứng cáp một chút, mẹ Nhật không ngại cho con vào xe hoặc ghế tập ăn và để con ngồi đó một cách vững vàng. Không hề bế bồng đi khắp nơi hay bật nhạc và cần người nhảy múa để thu hút sự chú ý của trẻ, mà mẹ Nhật sẽ cho con cùng ngồi vào bàn cùng gia đình một cách chỉnh tề. Bên cạnh đó, con sẽ được cầm một chiếc muỗng khác để có thể bắt chước mẹ xúc cháo cho vào miệng. Lúc này mẹ và gia đình sẽ tỏ thái độ hân hoan và khuyến khích trẻ để trẻ làm tốt hơn dù cho bé có nguệch ngoạc và làm rơi vãi nhiều ra bàn đi chăng nữa.

Từ lúc 1 tuổi cho đến mãi về sau, trẻ sẽ quen dần với giờ ăn, cách ăn thú vị cùng gia đình và khẩu vị mẹ nấu nên sẽ không có tình trạng biếng ăn, hay gào thét, ăn vạ mỗi lần đến giờ ăn. Kể từ đó thói quen tự lập của con cũng sẽ được hình thành và ăn sâu vào tiềm thức mà bố mẹ không cần phải tốn năng lượng, sức lực nhiều và vẫn khiến con nghe lời răm rắp, ngoan ngoãn.  

Mong rằng với những phương pháp ăn dặm kiểu Nhật mà Kid Town chia sẻ sẽ trở thành bí quyết nuôi con khỏe dạy con ngoan hữu ích mà các mẹ Việt có thể áp dụng để giúp con có sức khỏe toàn diện, phát triển tính cách tự lập tốt qua cách ăn, đồng thời bố mẹ được thảnh thơi hơn khi chăm con mọn.

THẢO LUẬN BẰNG FACEBOOK