
CẨM NANG THAI GIÁO TỪ A ĐẾN Z CHO LẦN ĐẦU LÀM MẸ
Các phương pháp thai giáo không chỉ tốt cho sự phát triển toàn diện của con ngay từ khi ở trong bụng mẹ mà còn rất có lợi cho sức khỏe của mẹ trong suốt thời gian thai kỳ. Đặc biệt với những mẹ lần đầu mang bầu thì càng không nên bỏ qua những kinh nghiệm thai giáo đã được nhiều mẹ đúc kết và chia sẻ ngay sau đây.
1. Thai giáo là gì và mẹ nên áp dụng thai giáo từ tháng thứ mấy?
Thai giáo là gì?
Các mẹ đang mang bầu chắc đã không ít lần nghe đến cụm từ “thai giáo” vậy cụ thể thai giáo là gì? Hiểu một cách đơn giản, thai giáo chính là quá trình giáo dục thai nhi bằng các phương pháp điều chỉnh môi trường sống và tăng cường những tác động có lợi cho bé thông qua liên kết tinh thần và thể chất giữa mẹ và bé.

Thai giáo bằng những bài học đầu đời đầy yêu thương dành cho con
Các phương pháp thai giáo hiện đại không chỉ tập trung vào chăm lo đầy đủ chế độ dinh dưỡng cho thai nhi mà còn khuyến khích mẹ áp dụng các cách giúp ổn định cảm xúc và kích thích sự phát triển trí não của bé thông qua các tiếp xúc giữa bố mẹ và bé. Chẳng hạn như bố mẹ tăng cường giao tiếp, trò chuyện với con, massage bụng mẹ hay cùng con nghe nhạc. Như vậy, thai giáo đúng cách sẽ giúp bé phát triển toàn diện về cả trí tuệ và thể chất ngày từ trong bụng mẹ.
Nên áp dụng thai giáo từ tháng thứ mấy?
1.1. Thai giáo từ tháng đầu tiên
Quá trình thai giáo kéo dài suốt thời gian thai kỳ và nên bắt đầu từ khi thai nhi mới hình thành. Các mẹ có thể chuẩn bị tâm lý cho quá trình mang thai và giáo dục thai nhi bằng cách đọc sách, học hỏi kinh nghiệm từ những người mẹ khác để hiểu thai giáo như thế nào là đúng cách. Nhưng quan trọng nhất là phải giữ tâm lý luôn vui vẻ, thoải mái sẽ tốt cho cả mẹ và con.
Trong những tháng đầu, phương pháp thai giáo chủ yếu thông qua điều tiết tâm lý và chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi khoa học. Mẹ bầu tránh căng thẳng, tâm lý bất an hoặc làm việc quá sức. Cả bố và mẹ có thể cùng bắt đầu lên những kế hoạch sắp xếp công việc và điều kiện để vợ được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ. Hai người có thể chuẩn bị nhật ký thai kỳ để thuận tiện theo dõi quá trình phát triển của thai nhi và lựa chọn áp dụng các phương pháp thai giáo phù hợp cho từng giai đoạn.
1.2. Thai giáo tháng thứ hai
Khoảng từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 8, mẹ và thai nhi đã có những thay đổi nhất định về sinh lý. Ví dụ như tâm lý mẹ dễ trở nên lo lắng, bất an, dễ cáu giận hoặc buồn bực hơn. Sức khỏe của mẹ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng như ốm nghén. Đối với bé, sau 2 tháng, não bộ cũng đã hình thành và phát triển 80% với hệ tế bào thần kinh và tủy sống phát triển cơ bản. Do đó, bé bắt đầu có cảm giác đau, xúc giác dần phát triển.
Trong giai đoạn này, mẹ có thể áp dụng các phương pháp thai giáo đơn giản như vỗ về, xoa nhẹ bụng hoặc nói chuyện nhẹ nhàng, vui vẻ với con để tăng tiếp xúc, kích thích trí óc bé phát triển. Tác động bằng âm thanh ví dụ như gọi tên con hay cho con nghe nhạc sẽ giúp thư giãn tinh thần. Thông qua những tiếp xúc cơ thể và âm thanh cũng có thể tăng cường sự liên kết tình cảm giữa bố mẹ và bé.
1.3. Thai giáo từ tháng thứ 3 trở đi
Thai giáo từ tháng thứ 3 trở đi, các trung khu thần kinh của bé đã được phân hóa nhất định và bắt đầu hình thành các phản xạ có điều kiện. Đây cũng chính là điều kiện tốt nhất để mẹ tăng cường các phương pháp thai giáo giúp con phát triển toàn diện hệ thống thần kinh.
Bố mẹ nên tiếp tục tăng cường trò chuyện, tạo đối thoại và nói những lời yêu thương với con. Ví dụ như “Con yêu, con đang cảm thấy thế nào? Hôm nay là một ngày đẹp trời và bố mẹ rất vui vì thiên thần của bố mẹ đang lớn lên từng ngày. Bố mẹ yêu con nhiều lắm!”

“Con yêu, con đang cảm thấy thế nào?”
Trong thời kỳ mang thai mẹ cũng nên điều tiết tâm trạng ổn định, tránh nóng giận, vui buồn bất chợt. Các động tác massage bụng mẹ cũng là cách giúp hệ xúc giác của bé phát triển sớm. Bố mẹ có thể kết hợp vừa vỗ về âu yếm, vừa gọi tên con để kích thích não bé phát triển.
Bên cạnh đó, âm nhạc sẽ luôn là một “gia vị” không thể thiếu cho đời sống tinh thần của cả mẹ và bé. Những giai điệu âm thanh lành mạnh, có tiết tấu nhẹ nhàng sẽ giúp mẹ điều chỉnh tâm trạng tốt hơn, tạo tinh thần vui vẻ và truyền tinh thần đó tới cả thai nhi.
2. Những phương pháp thai giáo mẹ không thể bỏ qua
Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn phát triển của thai nhi mẹ có thể áp dụng các phương pháp thai giáo như thế nào cho phù hợp. Để hiểu rõ ý nghĩa và cách áp dụng đúng các kinh nghiệm, mẹ bầu nên tham khảo một số phương pháp thai giáo được nhiều mẹ tin tưởng lựa chọn và đã chứng minh hiệu quả ngay sau đây.
2.1. Trải nghiệm âm nhạc đầu đời
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những tác động tích cực của âm nhạc thai giáo đối với sự phát triển của thai nhi. Trong thời gian mang thai, mẹ có thể lựa chọn thư giãn và thai giáo cho con bằng âm nhạc. Các thể loại âm nhạc tốt cho thai nhi cho mẹ tham khảo như nhạc giao hưởng, nhạc không lời, các bài hát tiếng Anh trẻ em. Lưu ý, mẹ nên chọn các bản nhạc nhẹ nhàng, vui tươi, giai điệu dễ nghe.
Tốt nhất mẹ nên nghe nhạc theo khung giờ cố định khoảng 3 lần/ngày, mỗi lần từ 15 – 30 phút. Ví dụ như mẹ Bông thường nghe nhạc từ 9 giờ – 9 giờ 30 sáng, 15 giờ chiều và 21 giờ tối trước khi đi ngủ để thư giãn cơ thể và giúp dễ ngủ hơn.
Khi nghe nhạc, mẹ nên mở loa âm thanh ngoài với âm lượng vừa phải để cả mẹ và bé cùng nghe. Mẹ cũng có thể kết hợp hát ru cho bé nghe để bé quen với giọng nói của mẹ. Vừa nghe nhạc mẹ có thể vừa thư giãn, xoa bụng nhẹ nhàng và thả lỏng cơ thể để bé cảm thấy thoải mái.
2.2. Tiếp xúc ngôn ngữ và cử chỉ giữa bố mẹ và bé yêu
Thai giáo bằng giọng nói hay chính là dùng ngôn ngữ bình thường để trò chuyện cùng con. Cả bố và mẹ đều được khuyến khích dành nhiều thời gian trò chuyện, tiếp xúc ngôn ngữ sớm với con để tăng cường sợi dây liên kết tình cảm gia đình. Phương pháp này nên được áp dụng từ khi thai kỳ bước sang tuần thứ 4.

Những bài học thai giáo tăng cường sợi dây liên kết tình cảm gia đình
Ngoài những câu nói yêu thương, ba mẹ có thể đọc sách truyện, thơ, ca dao, kể chuyện cho con nghe. Lưu ý tâm trạng và giọng nói cần vui vẻ và thoải mái giúp con cảm nhận được tình cảm của cả ba và mẹ dành cho con.
Đồng thời với tiếp xúc ngôn ngữ, bố mẹ nên áp dụng phương pháp xoa bóp, vỗ về bé để giúp các cơ quan xúc giác sớm phát triển. Hướng dẫn thực hiện các động tác cụ thể như sau:
- Mẹ nằm ngửa thoải mái trên giường, thư giãn toàn cơ thể và đầu gối không để quá cao. Có thể lót 1 chiếc gối nhỏ hoặc khăn dưới gối.
- Tiếp theo dùng một tay vuốt nhẹ bụng từ trên xuống dưới, từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ. Có kể kết hợp vừa vỗ về vừa trò chuyện với con.
- Thực hiện lặp lại động tác hàng ngày từ 1-2 lần và mỗi lần massage từ 5 – 10 phút. Khi vỗ về mẹ nên chú ý tới những phản ứng của thai nhi.
Những tháng đầu, thai nhi còn nhỏ nên chưa có phản ứng rõ ràng. Nhưng từ khoảng tháng thứ 5 trở đi, bé sẽ bắt đầu cảm nhận rõ ràng hơn, nên mẹ không nên quá vội vàng hay lo lắng khi con chưa có nhiều phản ứng.
2.3. Trò chơi con số cho mẹ, trí thông minh cho con
Kích thích sự phát triển trí não cho bé bằng phương pháp thai giáo từ trong bụng mẹ chủ yếu là tác động thông qua người mẹ. Chính vì vậy những hoạt động trí não dành cho mẹ cũng chính là đang kích thích trí não con phát triển hiệu quả nhờ tận dụng sợi dây liên kết giữa mẹ và bé. Các hoạt động tư duy sẽ thúc đẩy các tế bào thần kinh của bé làm quen với các phản xạ và phát triển.
Mẹ có thể tham khảo chơi các trò chơi liên quan đến con số như Sudoku trong thời gian mang thai từ tháng thứ 3 trở ra. Mỗi ngày có thể chơi từ 1-5 bài tùy ý thích và thời gian. Đây cũng là phương pháp thai giáo được nhiều bà mẹ Do Thái lựa chọn để giáo dục con thông minh từ sớm.
2.4. Vận động tốt cho cả mẹ và bé
Trong thời gian mang thai, các mẹ nên tránh vận động mạnh, các hoạt động thể chất cũng cần lưu ý cẩn thận. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mẹ luôn nằm hoặc ngồi một chỗ mà nên kết hợp vận động nhẹ nhàng và hợp lý. Ví dụ như đi dạo bộ, tập yoga dành cho phụ nữ mang thai vừa giúp mẹ thư giãn cơ thể, đầu óc vừa giúp con khỏe mạnh.

Những bài tập yoga nhẹ nhàng dành cho phụ nữ mang thai
Việc tập luyện đúng theo hướng dẫn cũng giúp mẹ chuẩn bị sức khỏe tốt, sẵn sàng cho quá trình “vượt cạn” khá là tốn sức sau này.
2.5. Môi trường sống trong lành thúc đẩy cảm xúc
Thai giáo chính là thông qua môi trường bên ngoài và liên kết với người mẹ để tạo những ảnh hưởng tích cực đến tinh thần và thể chất của con. Nói cách khác thì mẹ có vui vẻ, khỏe mạnh thì con mới khỏe. Do đó việc thiết lập môi trường sống lành mạnh bên ngoài và môi trường khỏe mạnh bên trong bụng mẹ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của bé.
Đối với môi trường bên ngoài: ột trong những điều kiện thai giáo tốt nhất chính là đảm bảo cho mẹ bầu có không gian sống trong lành, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ. Trong thời gian mang thai, mẹ cần tránh các nơi ô nhiễm, nguồn hóa chất độc hại hoặc các chất tẩy rửa, khói thuốc, ồn ào.
Môi trường trong bụng mẹ: Khi trong bụng mẹ thai nhi được bao bọc bằng nước ối tạo thành từ chính máu người mẹ. Do vậy, trong suốt thai kỳ mẹ cần giữ gìn cơ thể khỏe mạnh, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tránh tình trạng thiếu máu. Điều này rất quan trọng bởi các chất dinh dưỡng mẹ truyền cho con sẽ đi từ máu vào màng nước ối và qua nhau thai. Mẹ nên chú ý các mốc khám thai quan trọng nhằm chủ động theo dõi sự phát triển của thai nhi và tình trạng nước ối. Nếu nước ối có những dấu hiệu bất thường hoặc thiếu hụt, nhiễm trùng thì cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp xử lý theo chỉ định của bác sỹ.
Là người làm mẹ, ai cũng muốn đứa con mình sinh ra luôn được phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Xuất phát từ mong muốn đầy yêu thương đó, các mẹ bầu hãy cùng Kid Town tham khảo những phương pháp thai giáo phù hợp với sự phát triển của thai nhi trong từng thời kỳ. Chúc các mẹ bầu áp dụng các kinh nghiệm thai giáo thành công để con luôn khỏe, mẹ mãi vui.
THẢO LUẬN BẰNG FACEBOOK