
CÁCH DẠY CON CỦA NGƯỜI DO THÁI: CON LÀ TẤT CẢ NHƯNG CŨNG KHÔNG LÀ GÌ CẢ
Đối với cha mẹ, con cái là tài sản vô giá, nhưng “ngọc không mài không quý, người không học không hay”. Vậy hãy xem cách dạy con của người Do Thái – dân tộc thông minh nhất thế giới đã thành công như thế nào mà khiến cả thế giới phải khâm phục.
Chỉ chiếm 0,2% tổng số công dân toàn cầu nhưng người Do Thái chiếm tới gần 40% số giải Nobel và hơn 11% tỷ phú giàu nhất thế giới. “Chìa khóa” của những thành công đáng ngưỡng mộ này đến từ chính cách người Do Thái dạy con nên người từ những điều nhỏ bé nhất.
Mặc dù sống rải rác ở nhiều nơi trên thế giới nhưng những bí quyết cách dạy con của người Do Thái vẫn luôn được họ truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thậm chí chúng đã được đúc kết thành những cuốn sách dạy con làm người. Ngày nay các bậc phụ huynh có thể dễ dàng tìm hiểu các phương pháp này trong các cuốn sách cách dạy con của người Do Thái.
- Sứ mệnh của “Người được chọn”
Trong đức tin của dân tộc Do Thái, họ luôn tin tưởng rằng họ chính là những được Chúa trời lựa chọn để truyền đạt ý Chúa và giúp đỡ các dân tộc khác trong hành trình khai sáng. Niềm tin này giúp người Do Thái có cái nhìn lạc quan và bình thản đi qua những cuộc chiến, những âm mưu diệt chủng và thảm sát đẫm máu. Lịch sử một dân tộc đầy đau thương nhưng không bao giờ tuyệt vọng và ngừng nỗ lực để thành công.

Cha mẹ hãy dạy trẻ tư duy tích cực, lạc quan và khả năng tự xử lí vấn đề
Trẻ em Do Thái ngay từ khi còn nhỏ đã được giáo dục về tinh thần luôn học hỏi và sáng tạo, không chỉ để làm giàu cho bản thân mà còn cống hiến trí tuệ, sức lực cho sự phát triển chung của nhân loại. Những nhà khoa học lỗi lạc, những nghệ sĩ trứ danh, những tỷ phú thành công sinh ra và trưởng thành chính từ triết lý giáo dục đó.
Ngay từ khi còn nhỏ, cách dạy con của người Do Thái là không né tránh khó khăn, nản lòng trước thất bại mà phải kiên cường đối mặt và dũng cảm vượt qua với một lòng tin mãnh liệt vào bản thân và Chúa trời luôn dõi theo.
Ví dụ, khi gặp một vấn đề khó khăn hay một bài toán khó, thay vì tránh né, từ bỏ hay tự ti về năng lực của bản thân, cha mẹ hãy dạy trẻ cách tư duy tích cực và tự xử lý vấn đề dù biết chắc chắn sẽ tốn không ít thời gian và công sức. Hãy coi đó là tiền đề và bài học để tiến tới thành công.
2. Cuộc sống này là của con
Cha mẹ là người trao cho con cuộc sống này nhưng nó có thể trở nên tốt đẹp hay không là phụ thuộc vào sự nỗ lực tự phấn đấu của con. Việc cha mẹ quan tâm thái quá và can thiệp sâu vào mọi quyết định của con cái từ việc ăn ngủ, học hành, bạn bè, vui chơi và thậm chí là cả ước mơ sẽ khiến trẻ cảm thấy bị phụ thuộc, ỷ lại và mất tự do.
Đối với nhiều bậc cha mẹ quan niệm “Con chỉ cần ăn, ngủ và học giỏi là đủ.” Nhưng trong cách dạy con của người Do Thái, không có giới hạn cho những việc con có thể làm. Ngoại trừ những việc gây nguy hiểm tới tính mạng, cần phải được cảnh báo cẩn thận. Ví dụ, con có thể tự xúc ăn, tự ngủ một mình, tự đi học, tự chọn trò chơi và bạn bè để kết bạn.
Vai trò của bố mẹ chính là khuyến khích con luôn chủ động và tự lập ngay từ khi mới lên 2 – 3 tuổi và chỉ giúp con khi thực sự cần thiết, không quyết định thay con. Cách đặt vấn đề bằng các câu hỏi gợi ý như: “Con có thể tự chơi một mình được không?”, “Sẽ thật tuyệt nếu con có thể tự giải quyết được vấn đề này”.
Cha mẹ hãy dạy trẻ tự tin vào khả năng của bản thân và tôn trọng sự lựa chọn của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Điều đó sẽ giúp trẻ cảm thấy tự chủ và có tinh thần trách nhiệm hơn với mỗi lựa chọn và hành động của mình.
3. Luôn khát khao luôn dại khờ
Theo những cuốn sách dạy con làm người của người Do Thái, mọi đứa trẻ được sinh ra đều mang trong mình sự tò mò về thế giới xung quanh. Và cách để trẻ phát triển thông minh chính là đừng ngăn cản bản năng khám phá của con.
Những ông bố, bà mẹ Do Thái không bao giờ đáp lại sự tò mò của trẻ bằng câu trả lời “Con còn nhỏ, đừng tò mò chuyện người lớn”. Họ luôn khuyến khích con luôn đặt câu hỏi, dù đôi khi có thể ngây ngô nhưng đầy khao khát muốn khám phá thế giới xung quanh.
Ví dụ như, tại sao thuyền lạ đi được trên biển, cá ở dưới nước có chết đuối không… Bố mẹ có thể cùng chia sẻ, giúp con tìm kiếm và bàn luận câu trả lời cho những thắc mắc. Hãy để trẻ tham gia vào việc tư duy và độc lập suy nghĩ, giải quyết vấn đề.

Đừng ngăn cản bản năng khám phá thế giới của con
Đối với việc học tập của con, cách dạy con của người Do Thái cũng không quá gò bó và thể hiện thái độ cực đoan, coi trọng vấn đề điểm số. Khi con học giỏi không khen ngợi thái quá. Khi con học chưa tốt thì động viên con cố gắng và giúp con cải thiện tình hình thay vì la mắng hay trách phạt. Đừng để việc học trở nên nặng nề và khiến con mất đi niềm hứng thú khám phá tri thức hoàn thiện nhân cách.
4. 5 chiếc lọ và giá trị của đồng tiền
Không quá ngạc nhiên khi người Do Thái thường dạy con cách quản lý tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ bởi họ chính là những người phát minh ra khái niệm “Ngân hàng” cho thế giới. Trong nhiều sách hay về Israel – một quốc gia của người Do Thái, trẻ em được dạy về kỹ năng tự quản lý tiền bạc bằng “ngân hàng” 5 chiếc lọ: Chi tiêu – Tiết kiệm – Từ Thiện – Đầu tư – Tiền thuế.
Những đứa trẻ có thể kiếm được những đồng tiền lẻ 10 đồng shekel (đơn vị tiền của Israel) bằng cách giúp bố mẹ làm việc nhà để được trả công, hoặc được thưởng khi đạt điểm số tốt ở trường. Thậm chí có những đứa trẻ có thể thực hiện những dự án kinh doanh nhỏ để kiếm tiền như bán những món đồ tự làm. Những đồng tiền kiếm được sẽ chia đều vào 5 hũ và trẻ sẽ được toàn quyền tự quyết định mọi chi tiêu và dùng tiền vào mục đích đúng đắn.
Ví dụ như mở lọ Từ thiện để giúp đỡ người khác. Mỗi tháng mở bình thuế một lần khi hết tháng. Bình Chi tiêu để chi trả cho những khoản thiết yếu như mua đồ dùng học tập, sách, quần áo. Bình Tiết kiệm được mở khi có dịp đặc biệt như sinh nhật, đi chơi hay trong nhà có người bị ốm. Cuối cùng, bình Đầu tư chỉ được mở khi đã đầy. Cha mẹ có thể hướng dẫn con cách dùng tiền như thế nào cho khoa học nhưng không can thiệp vào quyết định của trẻ.

Dạy con cách quản lý tiền bạc và tự quyết định mọi chi tiêu
Đồng thời, cha mẹ nên dạy con hiểu được giá trị của đồng tiền và sự lao động. Lao động sẽ tạo ra của cải, tiền bạc nên được tạo ra từ lao động chân chính. Đó chính là cách dạy con của người Do Thái tư duy về đồng tiền. Ngay cả khi những người Châu Âu và Châu Mỹ đang vật lộn với những khoản nợ tín dụng thì người Do Thái vẫn đang từng ngày tích lũy tài sản và tiếp tục trở nên giàu có.
5. Con thấy vấn đề này thế nào?
Khi đọc những cuốn sách dạy con làm người của người Do Thái, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một điểm chung là họ luôn khuyến khích con bày tỏ quan điểm và ý kiến cá nhân. Thông qua câu hỏi như “Con thấy vấn đề này thế nào?” người Do Thái muốn rèn cho con khả năng trình bày, thuyết phục và phản biện ý kiến.
Trẻ em được dạy cách bảo vệ chính kiến một cách tinh tế thông qua 3 nguyên tắc trình bày quan điểm là: Trung thực, tôn trọng và tích cực. Những cuộc trò chuyện cởi mở, chân thành trên tinh thần tôn trọng ý kiến của tất cả mọi người sẽ giúp mang lại những năng lượng tích cực và khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn là những cuộc xung đột, tranh cãi nảy lửa.
Học cách lắng nghe cũng chính là một cách đối thoại thông minh. Không ai là hoàn hảo và “luôn luôn đúng”, sự bảo thủ sẽ giết chết tư duy. Khi con biết lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của những người khác cũng chính là quá trình tự học hỏi và rút kinh nghiệm từ những “người thầy” quanh ta..
6. Con là tất cả nhưng cũng không là gì cả
Con là tất cả bởi thế giới này là do con lựa chọn và tạo dựng nên. Chỉ cần con có quyết tâm và nỗ lực đủ lớn thì không có gì là con không thể tự làm được. Con có thể tự mình tạo nên những điều lớn lao từ những thứ nhỏ bé nhất. Hôm nay con có thể tự học cách bước đi trên đôi chân của mình để rồi tương lai thế giới này sẽ lưu lại những dấu chân nơi con từng đi qua.
Nhưng con cũng có thể không là gì cả. Mặc dù con là duy nhất nhưng con không phải là trung tâm của vũ trụ. Do đó mỗi cá nhân cần biết cách tôn trọng, sống khiêm tốn và đoàn kết để cùng tạo nên sức mạnh. Thế giới này vì con mà tạo dựng nên nhưng đừng nghĩ con có thể hiểu hết về tất cả. Hãy dạy trẻ biết lễ phép, tôn trọng, yêu thương mọi người xung quanh và quý trọng những gì con đang có.
Giáo dục là một hành trình dài và trong cách dạy con của người Do Thái cũng cho thấy một “tầm nhìn xa trộng rộng” với nhiều định hướng quan trọng. Để hiểu rõ hơn về những phương pháp dạy con của người Do Thái, cha mẹ đừng quên đồng hành cùng Kid Town tìm hiểu thêm nhiều cuốn sách hay về Israel và sách cách dạy con của người Do Thái.
THẢO LUẬN BẰNG FACEBOOK